Header Ads

TIN MỚI NHẤT

10 Lời Khuyên Cho Tân Sinh Viên

Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là một bí ẩn, nhưng hôm nay là một món quà, đừng để tuột mất món quà đó. Có một câu nói của ai đó anh cũng không nhớ lắm nhưng đại ý là: Hãy sống như thể ngày mai ta chết, hãy làm việc như thể ta còn sống mãi.


Em thân mến!
            Một năm học mới đã bắt đầu, anh muốn viết ra đây những suy nghĩ, những cảm nghiệm, kinh nghiệm của một người anh đã từng đi trước, đã “từng trải nghiệm” trong “trường học” cũng như trong “trường đời”. Anh muốn xưng hô “anh”, “em” cho thân thiện. Hy vọng  những chia sẻ dưới đây sẽ giúp các em tân sinh viên học tốt hơn, sống tốt hơn.

Có khi nào em nghĩ thời gian là một “tài sản” vô cùng quý giá với mỗi chúng ta. Anh thì luôn quan niệm rằng thời gian chính là “tài sản” của mỗi người chúng ta, bởi vì chẳng ai trong chúng ta có thể nào, hay bằng cách nào đó mà níu kéo, hoặc giữ thời gian lại không cho nó trôi đi, tiền bạc của cải mất rồi vẫn có thể có cơ hội kiếm lại được, người người giận nhau, vẫn có cơ hội làm lành, nhưng thời gian đã trôi qua, thì chẳng thể níu kéo nó trở lại. Thời gian nó cứ trôi qua ta từng giây, từng phút, từng giờ, ngày…tháng…năm…một cách lạnh lùng. Nó chẳng màng quan tâm tới em là ai? Anh là ai? Em, anh sống như thế nào?... Nó vẫn cứ trôi một cách vô tình, và công bằng với tất cả chúng ta mà?!!!

Chúng ta thường có cảm giác tiếc nuối và hoài niệm về quá khứ, tiếc nuối là vì những ngày sống trong quá khứ ta đã sống không “tròn vẹn”??? tiếc nuối là khi ta phải chia tay những người thân yêu của ta ra đi “biệt xứ”? Tiếc nuối là khi ta có một kỷ niệm đẹp với một “ai đó” mà ta không có cơ hội lặp lại lần thứ 2. Khi anh viết ra những điều này thì chính anh cũng đã từng có cảm giác “tiếc nuối”!!! chúng ta sẽ mãi tiếc nuối nếu như ta không sống tròn vẹn với những ngày sống hiện tại, những giây phút hiện tại.

Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là một bí ẩn, nhưng hôm nay là một món quà, đừng để tuột mất món quà đó. Có một câu nói của Gioan Bosco đã nói: Hãy sống như thể ngày mai ta chết, hãy làm việc như thể ta còn sống mãi.

Anh viết bài này không có ý là để “giáo huấn” ai đó nhưng chỉ là những chia sẻ những cảm nghiệm của chính anh. Khi anh viết những dòng chữ này cũng là lúc anh nhìn lại một quãng đời sinh viên đã trôi qua. Mới ngày nào đó anh cũng đã từng ngỡ ngàng, lạ lẫm với môi trường đại học, với cách học ở đại học. Còn bây giờ thì anh đã “già” rồi, anh đã là một cữu sinh viên. Anh muốn chia sẻ một chút với em gọi là “kinh nghiệm” của một người đã “từng trải” trong cuộc sống cũng như “kinh nghiệm” trong học đường.

Đối với việc học của sinh viên năm I
Em là một sinh viên năm I, chắc hẳn em cũng sẽ có những cảm giác lạ lẫm, ngỡ ngàng với môi trường sống mới, cách học mới? Anh cũng đã từng có cảm giác đó, bây giờ thì anh có thể chia sẻ cho em “10 kinh nghiệm”.


Thứ nhất – Thái độ học tập: Có thái độ học tích cực, cố gắng hết mình bao có thể. Tập trung học ngay từ những ngày đầu, năm đầu. Bởi vì nếu điểm xuất phát cao (tức là điểm học lực năm I, II) thì mình sẽ nhàn hơn ở những năm tiếp theo. Có nhiều bạn sau khi thi đậu vô đại học trong suốt năm học đầu cứ mãi mải mê với “Niềm vui chiến thắng” mà lơ là việc học của mình.

Thứ hai – Tích lũy kiến thức:  Tích lũy kiến thức tin học, anh văn và kỹ năng mềm thông qua việc học tại các trung tâm, học nhóm để em tự tin hơn khi đi thực tập cũng như khi đi làm.

Thứ ba – Thi rớt: Sinh viên thường hay nói “Không thi rớt không là sinh viên”.  Lý tưởng thì phải nói “Không lấy được học bổng không là sinh viên”. Nhưng nếu bị rớt môn nào trong một học kỳ thì phải đăng ký học lại ngay ở học kỳ tiếp theo (trong điều kiện cho phép). Không để học dồn vào những năm cuối, như vậy sẽ rất mệt đấy.

Thứ tư – Trao đổi: Gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị sinh viên khóa trước, cựu sinh viên. Nếu gặp được anh chị sinh viên nào mà có học lực khá thì càng tốt. Có thể xin lại các bài viết được điểm cao của các anh chị khóa trước để học hỏi cách trình bày. Việc gặp gỡ các anh chị sinh viên khóa trước sẽ có lợi thế rất nhiều;  em sẽ biết thông tin về môn học, cũng như cách dạy và cách chấm điểm của các giảng viên, có thể mượn lại giáo trình học của các anh chị (như vậy cũng bớt được một ít kinh phí trong việc mua giáo trình học đó).

Thứ năm – Phá biểu: Phát biểu trước lớp khi giảng viên đặt câu hỏi. Đây là cơ hội để mình tâp kỹ năng suy nghĩ nhanh (hay còn gọi là kỹ năng phản xạ) và kỹ năng nói trước đám đông (hay còn gọi là kỹ năng trình bày trước công chúng).

Thứ sáu – Lắng nghe chủ động: Lắng nghe giáo viên giảng bài nhưng hãy luôn đặt ra những câu hỏi trong đầu WHY? Tại sao nó là thế này mà không phải thế khác?..như vậy em sẽ học bài nhanh hơn và hiểu sâu hơn. Gặp gỡ giáo viên khi em có những thắc mắc chưa rõ trong bài học. Lưu địa chỉ email cũng như số điện thoại…của giảng viên vào một cuốn sổ nhỏ để có dịp em sẽ phải dùng tới.

Thứ bảy – Lập kế hoạch: Lập cho mình một thời gian biểu và kế hoạch trong ngày, tuần, tháng, học kỳ, năm…thời gian biểu càng chi tiết ngày, giờ càng tốt. Nên dành thời gian một buổi nào đó để xác định kế hoạch trong năm nay của bạn là gì? Kế hoạch của học kỳ 1? Kế hoạch tháng này em sẽ làm gì? Và nên dành một chút thời gian cho buổi tối chủ nhật để ghi ra kế hoạch của tuần này là gì? Mỗi ngày trước khi đi ngủ nên  nhìn lại một ngày sống và ghi ra những việc phải làm cho ngày hôm sau, sắp xếp công việc phù hợp và bố chí thời thời gian hợp lý. Buổi sáng thức dậy nên nhìn qua kế hoạch ngày để việc thực hiện kế hoạch tốt hơn.

Thứ tám – Tham gia hoạt động đội nhóm: Nên tham gia các hoạt động đội nhóm, các câu lạc bộ khi có thời gian rảnh, đây sẽ là cơ hội giao lưu, chia sẻ và học hỏi để có thêm kinh nghiệm, có thêm bạn mới.

Thứ chín – Tham gia hoạt động cộng đồng: Nếu có thể được thì nên tham gia các hoạt động công tác xã hội của khoa, của trường. Đây cũng là dịp để em thể hiện lòng tốt, tình thương của em và chính em cũng sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những chuyến đi như thế.

Thứ mười – Nhìn lại ngày sống: Điều cuối cùng anh muốn nhắc em rằng, để cho mỗi ngày sống của em không trở nên vô nghĩa thì em nên dành thời gian để nhìn lại, việc làm này rất hữu ích cho cuộc sống của em đấy. Em có thể nằm hoặc ngồi hoặc một tư thế nào đó tùy ý em, miễn sao em cảm thấy thoải mái ở tư thế đó, em có thể mở nhạc nhè nhẹ (nên mở những bản nhạc không lời) việc nghe nhạc sẽ giúp em thư giãn sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng. Em nên dành khoảng 15 phút trước khi đi ngủ để nhìn lại một ngày sống của mình, em có thể nhìn vào những biến cố trong ngày, những việc em đã làm được, những việc em đang làm dở dang và ghi kế hoạch cho ngày hôm sau. Nếu mỗi ngày sống ta sống trọn vẹn thì ta sẽ không phải hối tiếc khi ngày đó qua đi. Chúc các em có một năm học mới đạt kết quả cao, vui vẻ, và bình an.

Trên đây là những điều mà anh đã làm và theo anh nghĩ thì nó sẽ giúp ích cho các em là những tân sinh viên. Anh cũng hy vọng sẽ nhận được phản hồi từ các em, và cũng mong rằng “ai đó” sau khi đọc bài viết này thì hãy chia sẻ “một chút” kinh nghiệm nhỏ bé này cho những người bạn khác.

Cỏ Mọc Ven Đường

Không có nhận xét nào