Header Ads

TIN MỚI NHẤT

TỆ NẠN XÃ HỘI hay chỉ là VẤN ĐỀ XÃ HỘI



Ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài, truyền hình, mạng internet, thậm chí cả những đề tài nghiên cứu khoa học hoặc luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…đều phổ biến cụm từ “Tệ nạn xã hội”.

Từ các nhà cầm quyền, các nhà báo, phóng viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, người dân ở Việt Nam và ngay cả tôi trước kia khi nhìn các vấn đề: mại dâm, ma túy, tham ô tham nhũng, phá thai, sống thử, cờ bạc, HIV/AIDS....là những “Tệ nạn xã hội”: tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma túy, tệ nạn  tham nhũng, tệ nạn đánh bạc, tệ nạn sống thử, …

Nói tới “tệ nạn” người ta thường nghĩ ngay tới một cái gì đó xấu xa, mất chuẩn mực văn hóa. Vì thế mà người ta “phòng, chống, ngăn ngừa và đẩy lùi”, “tẩy chay” các tệ nạn đó.
Thế rồi các dự án, đề án của chính phủ rồi tổ chức phi chính phủ can thiệp: các dự án, đề án tái hòa nhập cộng đồng cho những con nghiện, cho những cô gái lầm lỡ, những cô gái mại dâm, những người nhiễm HIV/AIDS....
Hòa nhập làm sao được? khi cộng đồng nhìn họ bằng lăng kính quy chụp “tệ nạn”
Dự án kết thúc thì những kẻ bị mang trên mình cái mác "tệ nạn xã hội" lại trở về với "hội của họ”. Con nghiện lại chơi với con nghiện, gái mại dâm lại chơi với gái mại dâm, HIV/AIDS lại chơi với những người đồng cảnh ngộ với họ... và rồi các tổ chức chính phủ, phi chính phủ lại xây dựng dự án, đề án, lại can thiệp.....

Nên chăng???

Coi mại dâm, tham ô, nghiện hút, ma túy, AIDS, phá thai......là những "Vấn đề của xã hội".
Sở dĩ coi nó là vấn đề bởi vì:
Một đứa trẻ khi sinh thời đều có "tính bản thiện" (Tam Tự Kinh). Trong mỗi con  người khi sinh ra đều có tính hướng thiện, hướng tới cái tốt, cái đẹp cái hoàn hảo của Chân – Thiện – Mỹ.
Cũng giống như những cái máy vi tính khi xuất xưởng nó chạy tương đối ổn.
Nhưng trong quá trình sử dụng nó bị nhiễm virus hoặc lỗi phần mềm, phần cứng....và cần quét “virus”,  đi “sửa lỗi", hay “cài lại hệ điều hành”


Cũng vậy…

Con người khi sinh ra được lập trình "hướng bản thiện", nhưng trong quá trình "vận hành" thì cũng bị "virus" hoặc gặp một số "lỗi" về "hệ điều hành".
Có thể trong một đoạn đường nào đó trong cuộc đời, bạn và tôi cũng sẽ rơi vào trường hợp bị nhiễm "virus" hoặc "lỗi hệ điều hành".
Vì thế tôi mong bạn hãy rộng lượng tha thứđón nhận những người anh chị em, bạn bè, hàng xóm của mình khi họ đã quét "virus", “sửa lỗi” hoặc cài lại "hệ điều hành" trở về.

Cái nhìn của Giê-su…

Những vấn đề của xã hội hiện nay không phải quá mới mẻ, bởi vì trong thời Cựu Ước và Tân Ước cũng đã hình thành những “tệ nạn” như vậy. Cũng có cờ bạc, mại dâm, tham nhũng…
Trở lại với những câu chuyện hơn 2000 năm trước
Câu chuyện thứ nhất: Người thu thuế - người tội lỗi (theo cách đánh giá của người đời lúc bầy giờ), thay vì kết tội thì Ngài lại đến với họ, ăn cùng bàn với họ, và thậm chí mời gọi họ đi theo mình: Anh hãy theo tôi(Mt 9,9)
Câu chuyện thứ hai: Ông Gia kêu cũng là một người làm nghề thu thuế. Với mọi người ông là một kẻ tội lỗi, kẻ đáng khinh bỉ và bị ruồng bỏ. Nhưng Đức Giê-su lại dành tặng  ông Gia-kêu một ơn huệ vô cùng lớn lao, đó là: “Ơn cứu độ ..(Lc 19, 9)
Câu chuyện thứ ba - Chúa chữa người phong cùi: Thời Chúa Giê-su, bệnh phong cùi được coi là một trong những thứ bệnh ô uế và tội lỗi. Những người phong cùi bị tách ra khỏi cộng đồng xã hội, họ bị loại ra bởi vì họ ô uế và tội lỗi. Thay vì né tránh, xua đuổi họ thì Đức Giê-su đã đến và chạm vào anh ta, tức thì anh ta lành bệnh (Mt 8, 1-4)
Câu chuyện thứ tư - Ông Phê-rô chối Chúa: Ông Phê-rô là một tông đồ nhiệt thành, ông là người được Chúa tin tưởng và giao trọng trách trông coi giáo hội. Thế nhưng ông đã chối Chúa, ông đã phủ nhận Chúa. Nhưng Đức Giê-su không kết án ông mà Ngài “quạy lại nhìn ông” (Lc 22,61) với ánh mắt đầy yêu thương, sự cảm thông và tha thứ.

Câu chuyện thứ năm - Người cha nhân hậu:  Người con thứ sau khi đi hoang phung phí hết tài sản, rồi mới trở về. Thế nhưng người cha lại “Chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20)

Câu chuyện thứ sáu: Người phụ nữ ngoại tình đã bị các kinh sư và những người Pha-ri-siêu lên án, kết tội và đòi “ném đá” vì đã phạm “luật” và trái với “quy chuẩn” của xã hội thời bấy giờ. Nhưng khi người ta dẫn người phụ nữ này tới trước mặt Giê-su, thì Ngài không “ném đá” mà thay vào đó Ngài “ném cái nhìn yêu thương & tha thứ” cho chị. “Người ngẩng đầu lên và nói: Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Gioan: 8, 10-11)

Đức Giê-su đã làm “ngược” với suy nghĩ bình thường của con người.

  • Thay  Khinh bỉ người tội lỗi bằng sự Cảm mến
  • Thay hành động Xa lánh, xua đuổi bằng hạnh động Chạm vào.
  • Thay sự Ghét bỏ bằng Yêu thươngTha thứ.


Ngài đã làm cho những người tội lỗi, bệnh tật…có cơ hội được hòa vào cuộc sống bình thường của xã hội loài người. Ngài dùng chính Tình Yêu, sự Chân Thành để Tha Thứ và giúp cho con người có cơ hội để biến đổi.

Xin Chúa cho chúng con có được cái nhìn Yêu Thương và Tha Thứ trước những vấn đề xã hội, giống như Ngài đã từng “ném” ánh mắt Yêu Thương và Tha Thứ cho một phụ nữ bị kết án phạm tội ngoại tình, cho người thu thuế. Một ánh mắt thân thương, trìu mến khi Ngài “ngoái nhìn” Phê-rô. Một vòng tay rộng mở khi Ngài đón nhận “đứa con hoang trở về”.

Xin cho chúng con ý thức mình cũng là tội nhân cũng cần phải quét “virus” cũng phải sửa “lỗi” hoặc cài lại “hệ điều hành” để con sống và làm việc theo “lập trình” được cài sẵn như ý Chúa muốn. Amen!

Cỏ Mọc Ven Đường

Không có nhận xét nào