Header Ads

TIN MỚI NHẤT

Bạn là người bình thường hay khuyết tật?


Hàng năm, cả thế giới dành 1 ngày cho cho người khuyết tật (03/12) tôi xin mạn phép chia sẻ một quan điểm về người khuyết tật, mong cộng đồng đọc tham khảo và cho ý kiến.

Khái niệm người khuyết tật

Theo Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội : LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT do chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký ngày 17 tháng 6 năm 2010 định nghĩa: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Các dạng khuyết tật

Theo tổ chức xã hội Dreams qua việc va chạm với thực tế sau thời gian tham gia công tác xã hội định hình ra 7 dạng khuyết tật như sau:
1. Khiếm thị: Là những người mắc vấn đề về thị lực, tình trạng thị lực khác nhau ở mỗi người, từ lòa đến mù.
2. Khiếm thính: là những người mắc vấn đề về thính giác, thường thì chứng này luôn đi kèm “câm – điếc”.
3. Khuyết tật vận động: là những người bị khiếm khuyết tay chân, khó khăn trong việc đi đứng, làm việc như người bình thường.
4. Khuyết tật ngôn ngữ: là những bạn bị mắc chứng nói ngọng, nói lắp.
5. Đa tật: là những người ngoài bị khiếm thị còn mắc chứng chậm phát triển trí não hay là sự kết hợp của nhiều chứng khác nhau.
6. Thiểu năng hay còn gọi là chậm trí: các bạn mắc chứng này thường có cách cư xử trẻ con, hoặc không có khả năng điều tiết suy nghĩ và hành vi bản thân. Tùy theo từng trường hợp mà có biểu hiện khác nhau, như có em thường yên lặng, có em lại nghịch ngợm….
7.Bệnh down, não nước: Các em như thế này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, khả năng nhận biết sự vật bên ngoài gần như không có… cuộc sống của các em chỉ dần tiến từng ngày, có lúc giống như đời sống thực vật, chỉ khác là các em vẫn cử động và quờ quạng được…
Hiểu khuyết tật theo khái niệm và phân loại trên ta chỉ thấy đó là những khuyết tật về thể xác, cái hiện hữu mà ta có thể nhìn thấy, sờ thấy được.
Nhưng theo tôi còn một cách phân loại khuyết tật nữa mà có thể ít ai trong chúng ta để ý tới đó là khuyết tật về tinh thần bao gồm: khuyết tật về hành động, cử chỉ, khuyết tật về ánh mắt, khuyết tật cách thức lắng nghe, khuyết tật về cảm nhận, sự rung động.
Khuyết tật về tinh thần: Đây là loại khuyết tật mà những người được cho là “bình thường” giống như tôi và bạn dễ bị mắc nhất. Khuyết tật tinh thần là một dạng khiếm khuyết bên trong con người của mỗi chúng ta. Có những khiếm khuyết liên quan tới hành động, có những khiếm khuyết liên quan tới ánh mắt, có những khiếm khuyết liên quan tới lắng nghe, có những khiếm khuyết liên quan tới cảm nhận, sự rung động. Để hiểu rõ hơn những khiếm khuyết đó như thế nào, mời bạn tiếp tục đọc những phần dưới đây:
Khuyết tật vận động (tay, chân) – khiếm khuyết hành động: Không phải là bạn bị cụt tay, cụt chân, nhưng là khi bạn không đưa tay bạn ra giúp đỡ một ai đó, khi bạn sợ “chạm tay” mình vô vết thương lở loét của người phong cùi, khi bạn sợ chạm tay mình vô để chăm sóc cho một người có H, khi bạn sợ chạm tay mình vô để chăm sóc cho người già, người bệnh sắp qua đời…Khiếm khuyết về hành động là khi bạn không đưa bước chân đi đến những vùng đất, những con người đang thực sự cần bạn.
Khuyết tật mắt (khiếm thị) – khiếm khuyết ánh mắt: Không phải là khi mắt bạn bị mù, lòa không nhìn thấy ánh sáng, nhưng là khi bạn để cho mắt mình nhìn thấy những điều dơ bẩn thay vì nhìn những điều hay lẽ phải, là khi bạn nhìn bằng ánh mắt “vô hồn” khi thấy người nghèo khổ, đói khát, bệnh tật xung quanh mình. Là khi bạn che mắt mình bằng sự hào nhoáng trần tục để tôn vinh bản thân mình thay vì nhìn thẳng vào những khuyết điểm, những hạn chế nơi con người của mình.
Khuyết tật tai (khiếm thính) – khiếm khuyết lắng nghe: Không phải là những người mắc vấn đề về thính giác như triệu chứng “câm – điếc”. Nhưng bạn bị “điếc” khi bạn giả vờ không nghe thấy tiếng kêu cứu của người đang bị gặp nạn, giả vờ không nghe thấy tiếng khóc lóc, rên rỉ của những người khốn cùng, người bệnh tật, tiếng rên rỉ của các loài vật đang bị tiệt chủng, của bầu khí quyển của đại dương đang bị ô nhiễm, của cây cỏ đang bị tàn phá. Bạn giả vờ điếc khi không chịu nghe lời xin lỗi của một người đã từng mắc lỗi với bạn, lời van xin của kẻ được cho là có tội với bạn.
Bạn bị “câm” khi không dám đứng lên đấu tranh cho sự thật, không dám dùng lời nói của mình để bênh vực kẻ yếu thế. Bạn bị “câm” khi không nói ra những điều hay lẽ phải, nhưng lời động viên, an ủi cho người khi người thất vọng.
Khuyết tật ngôn ngữ – khiếm khuyết ngôn ngữ: Là dạng nói ngọng, nói lắp (Theo định nghĩa của tổ chức xã hội Dream). Khiếm khuyết này đâu đó trong cuộc sống chúng ta thường mắc phải. Những từ thường lặp đi lặp lại nhiều lần như: Buồn quá, chán quá, “vãi”, đắng lòng, “hoy đi nha”…
Khuyết tật tim – Vô tâm: Không phải là bạn bị hở, hẹp van tim, hay bị một dị tật nào đó về tim. Nhưng là khi bạn vô cảm trước nỗi đau của người thân, người quen xung quanh bạn, những người mà bạn có cơ hội giúp đỡ nhưng bạn không giúp.
Đọc tới đây thì bạn còn tự nhận mình là người “bình thường” nữa không?
Cỏ Mọc Ven Đường 

Không có nhận xét nào